Stablecoin đang định hình trái tim tài khóa Mỹ: Cơ hội hay nguy cơ?
1.000 tỷ đô la nợ lãi là con số khiến bất kỳ Bộ trưởng Tài chính nào cũng mất ngủ. Liệu Stablecoin có thể là chiếc phao cứu sinh — hoặc mồi lửa cho một cuộc khủng hoảng khác?
Một ngàn tỷ đô.
Đó là con số chi phí lãi vay mà chính phủ Mỹ sẽ phải trả chỉ riêng trong năm tới – lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, khoản tiền trả lãi cho nợ công dự kiến vượt mốc 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Con số đủ khiến Scott Bessent – Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump – mất ngủ mỗi đêm. Không phải vì giấc mơ đầu tư thất bại. Mà vì thực tế tài khóa nước Mỹ đang rạn nứt từng mảnh một…
Thâm hụt ngân sách đã lên tới 7% GDP.
Lãi suất trái phiếu kho bạc vẫn neo cao sau bốn năm tăng vọt. Và năm tới, chi phí trả lãi ròng sẽ chính thức vượt ngưỡng… 13 con số!
Trong bối cảnh ấy, Nhà Trắng đang tìm mọi cách để xoay sở—miễn là không phải cắt giảm chi tiêu hay tăng thuế. Và thế là, một cái tên tưởng chừng “đứng ngoài cuộc chơi tài khóa” bỗng bước vào ánh sáng: Đó chính là Stablecoin.
Một lời giải tưởng chừng viển vông, nhưng…
Stablecoin là gì? Là các đồng tiền số được “neo giá” bằng tài sản an toàn, chủ yếu là trái phiếu kho bạc ngắn hạn.
Và vì thế, chúng có thể trở thành khách hàng lớn của chính phủ Mỹ.
Dự luật GENIUS đang được Quốc hội thúc đẩy sẽ hợp pháp hóa việc dùng trái phiếu kho bạc đáo hạn 93 ngày làm tài sản bảo chứng. Điều đó có nghĩa là stablecoin – vốn đang giữ khoảng 257 tỷ USD – có thể bùng nổ lên 1.600 - 2.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Citigroup và Standard Chartered.
Không có gì bất ngờ khi các nhà phân tích bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận:
Nếu stablecoin giúp tăng nhu cầu nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, chúng có thể kéo lãi suất xuống.
Và chi phí vay nợ của nước Mỹ – dù chẳng phải phép màu – cũng sẽ giảm một phần nhờ chính… tiền mã hóa.
Có bằng chứng cho điều đó?
Câu trả lời có lẽ là: Có.
Một nghiên cứu của Đại học Kyung Hee cho thấy: Khi Tether (stablecoin lớn nhất) phát hành thêm token, giá trái phiếu kho bạc Mỹ ngay lập tức tăng trong vòng 1 giờ sau đó.
Một nghiên cứu khác (Ahmed & Aldasoro) phát hiện: Dòng tiền 3,5 tỷ USD đổ vào stablecoin có thể kéo lãi suất T-bill kỳ hạn 3 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm trong vòng 20 ngày.
Nói cách khác, tác động của nó là có thật. Và nó đang diễn ra.
Nhưng… không có bữa trưa nào miễn phí
Stablecoin càng lớn… rủi ro càng rõ rệt.
Một khi stablecoin có thể “bơm máu” cho Bộ Tài chính, chúng cũng có thể gây áp lực cho hệ thống tài chính:
Nợ ngắn hạn tăng nhanh vì hấp dẫn hiện tại, nhưng cực kỳ dễ tổn thương nếu lãi suất quay đầu tăng. Hãy tưởng tượng, giả sử hiện tại Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 4%. Vì kỳ hạn ngắn, họ chỉ phải trả lãi thấp trong thời gian ngắn, rất "ngon ăn". Nhưng sau 3 tháng, họ phải phát hành tiếp để trả khoản cũ. Nếu lúc đó Fed nâng lãi suất lên 6%, thì chi phí vay mới tăng vọt, gây sốc cho ngân sách.
Ngân hàng Mỹ có thể mất đi nguồn tiền gửi nếu người dân đổ xô mua stablecoin → giảm khả năng cho vay trong nền kinh tế.
Và tệ hơn: rủi ro tài chính sẽ bị chuyển từ khu vực tư sang khu vực công.
Mỹ có nên gắn kết cả thế giới với stablecoin?
Trump có thể thích điều này: Stablecoin sẽ gia tăng nhu cầu toàn cầu với đồng đô la. Nhưng chính đó cũng là nghịch lý.
Nếu stablecoin trở thành "tiền tệ ngầm" của các quốc gia mới nổi, và USD được săn đón, đồng bạc xanh sẽ mạnh lên → Hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ → Xuất khẩu Mỹ gặp khó → Khiến thâm hụt thương mại tăng.
Một kết cục mà chính Trump lại ghét cay ghét đắng!?
Một bài toán hai mặt: Lợi ích & Hệ quả
Stablecoin có thể giúp Mỹ tiết kiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD chi phí vay nợ. Nhưng đổi lại là:
Một thị trường tài chính có thể bị tái cấu trúc.
Một hệ thống ngân hàng yếu đi.
Và một cán cân thương mại… không còn đứng vững.
Donald Trump sẽ chấp nhận cái giá ấy không?
Câu trả lời có lẽ đã rõ. Với ông, mọi “đòn bẩy” đều có thể sử dụng – miễn là nước Mỹ trông thật hùng cường.
Lời kết: Tương lai tài khóa Mỹ sẽ nằm trong tay ai?
Có thể là stablecoin hoặc cũng có thể là blockchain. Hay có thể là những thứ mà 10 năm trước ta còn gọi là “trò đùa của giới công nghệ”.
Nhưng giờ đây, chúng không còn là trò đùa nữa.
Chúng là công cụ tài chính. Là cán cân quyền lực. Là những viên gạch lót đường cho thế hệ tài khóa kế tiếp của nước Mỹ.
Và bài học ở đây là:
Không phải công nghệ nào cũng bắt đầu bằng sự đột phá.
Có những thứ – như stablecoin – chỉ cần đúng thời điểm, là có thể định hình cả nền tài chính toàn cầu.
📬 Bạn đang theo dõi “Tài chính ngược đời!” — nơi những góc nhìn trái chiều, những dòng tiền ngầm và những logic phi truyền thống được bóc tách từng lớp. Đăng ký theo dõi để không bỏ lỡ bất kỳ bản tin nào, vì đôi khi, hiểu đúng thị trường… là phải nhìn ngược lại.
👤 Văn Diệp Huỳnh Điền — Chuyên gia tư vấn đầu tư tại CTCK SSI (ID: 2379)
📞 0981 100 395
📧 Dienvdh@ssi.com.vn
💸 Ủng hộ tác giả: MB Bank – STK 0981100395